Lý luận về thư pháp Vương_Hi_Chi

Học thành tài, kiến thức lý luận về thư pháp của Vương Hi Chi cũng đạt đến mức uyên bác. Tổng hợp từ nhiều sách vở đã được đọc, ông viết thành nhiều cuốn sách lý luận nổi tiếng như: Đề Vệ phu nhân bút trận đồ hoạ (Bàn luận về bút pháp của Vệ phu nhân trên bức tranh), Bút thế luận (Lý luận về thế bút), Dụng bút tặc.

Qua nghiên cứu, ông cho rằng: viết bút pháp cũng như bày binh bố trận, biết vận dụng tốt sẽ thu kết quả; bút pháp cũng cần có "xảo", "nhẫn", dứt khoát, quyết đoán. Ông đặc biệt coi trọng ý bút: khi muốn viết phải mài mực trước; mài mực xong để tinh thần thư thái rồi nghĩ đến thế chữ, phải dự tính chữ lớn hay chữ nhỏ, nét đậm nét nhạt ra sao, liên kết với nhau như thế nào, sau đó mới đặt bút viết.

Thư pháp của Vương Hi Chi được đánh giá là thiên biến vạn hoá, lồng ý tưởng vào chữ. Ông cho rằng: bút lực phải sắc như dao, nhanh nhẹn biến hoá, hoặc trầm ổn tĩnh lặng[11]. Ông lý giải:

  • Về cấu tạo chữ: Hai chữ hợp làm một, không được đứt đoạn, những nét trùng thì không quá dài, đơn mà không quá nhỏ, lặp mà không quá to; chữ lớn nên trong vòng giới hạn, chữ nhỏ nên phóng túng, rộng rãi.
  • Về bố cục: Bất kỳ chữ gì hình dáng, biến hoá thế nào đều phải có sự tập trung câu mạch thông suốt, khí huyết lưu thông mới tạo ra được cái hồn cho tác phẩm.

Vương Hi Chi rất chú trọng học tập và rút kinh nghiệm từ người khác. Thành tựu thư pháp của ông đạt đến đỉnh cao nghệ thuật mà người đời sau cũng không đạt tới được[12]. Từ thời Lục triều[13] trở về sau, những tác phẩm thư pháp của ông có ảnh hưởng lớn đến các nhà thư pháp Trung Quốc.